Home » Nhà văn - Tác Phẩm » Cuốn sách Nhà văn Việt Nam hiện đại – Tiểu sử của một số nhà văn nổi tiếng

Cuốn sách Nhà văn Việt Nam hiện đại – Tiểu sử của một số nhà văn nổi tiếng

Nhà văn Việt Nam hiện đại là một trong những tập sách được ban chấp hành khóa VII của hội nhà văn Việt Nam tổ chức, tập sách được biên soạn và xuất bản vào dịp hội tròn 50 tuổi. Tập sách được biết đến là sự tập hợp của đội ngũ các nhà văn Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng nửa thế kỷ qua. Dưới đây là một số những thông tin nhà văn được xướng tên trong tập sách này. 

Các nhà văn mất trước khi thành lập hội

Tập sách Nhà văn Việt Nam hiện đại chỉ tập hợp một số những nhà văn đi theo cách mạng nên trong phần đầu của tập sách này sẽ nêu tên những nhà văn mất trước khi thành lập hội. Tuy nhiên trong danh sách này chỉ có tên của 13 nhà văn, còn rất nhiều những nhà văn tài năng khác của thời kỳ này đóng góp rất nhiều những thành công cho văn học việt Nam không được xướng tên.

Dưới đây là tổng hợp một số những nhà văn tiêu biểu:

1. Nhà văn Vũ Bằng

Nhà văn Vũ Bằng 1913 – 1984

Nhà văn Vũ Bằng sinh năm 1913, tên khai sinh là Vũ Đăng Bằng, bút danh khác là Tiêu Liêu, Vịt Con, Thiên Thư, Lê Tâm, Vạn Lý Trình. Quê quán: Lương Ngọc, Hải Dương. Dân tộc: Kinh. Mất ngày 8/4/1984 tại thành phố Hồ Chí Minh.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Vũ Bằng: Ông tham gia viết văn, làm báo từ những năm 1930 – 1980, in tuỳ bút Lọ văn khi 16 tuổi. Viết cho các báo: Hữu Thanh, Tiểu thuyết Thứ bảy, Trung Bắc tân văn. Những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954) vừa viết văn làm báo ở vùng tạm chiếm vừa hoạt động tình báo quân đội (bí danh X10). Hoà bình lập lại, ông vào Sài Gòn sinh sống, tiếp tục cầm bút và hoạt động cho cách mạng.
  • Một số những tác phẩm chính đã được xuất bản: Một mình trong đêm tối (tiểu thuyết, 1937); Truyện hai người (tiểu thuyết, 1940); Cai (hồi ký, 1942); Thương nhớ mười hai (tuỳ bút, 1960); Miếng ngon Hà Nội (tạp văn, 1955); Bốn mươi năm nói láo (hồi ký, 1969); Khảo về tiểu thuyết (1951, 1955);  Tuyển tập Vũ Bằng – Trọn tập 3 bộ NXB Văn học 2000.
  • Giải thưởng văn học: Nhà văn Vũ Bằng được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Đây là một trong những nhà văn mất trước khi thành lập hội được nêu tên trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại.

2. Nhà văn Nam Cao

Nhà văn Nam Cao – Tên khai sinh là Trần Hữu Tri sinh ngày 29/10/1917, bút danh khác: Thúy Rư, Xuân Dư, Nguyệt, Nhiêu Khê,…Quê quán thuộc Làng Đại Hoàng, Phủ Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam nay thuộc Xã Hòa Hậu, Huyện Lý Nhân, Tỉnh Hà Nam. Nhà văn Nam Cao hy sinh ngày 30/11/1951, tại Hoàng Đan (Ninh Bình). Đảng viên Đảng CSVN.

Nhà văn Nam Cao
  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Nam Cao: Ông học tập ở Thành Phố Nam Định.Từ 1936, bắt đầu viết văn in trên các báo: Tiểu thuyết Thứ bảy, Ích hữu…. Năm 1938, dạy học tư ở Hà Nội và viết báo. Năm 1941, dạy học tư ở Thái Bình. Năm 1942, trở về quê và  tiếp tục viết văn. Năm 1943, gia nhập Hội Văn hoá Cứu quốc.
  • Quá trình tham gia cách mạng của nhà Văn Nam Cao: Cách mạng Tháng Tám (1945) được cử làm Chủ tịch xã. Năm 1946, ra Hà Nội hoạt động trong Hội Văn hoá Cứu quốc và là Thư ký toà soạn Tạp chí Tiên phong của Hội. Cùng năm đó, tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách phóng viên, hoạt động ở Nam Bộ. Sau đó, lại trở về nhận công tác ở Ty Văn hoá Hà Nam. Mùa thu 1947, lên Việt Bắc, làm phóng viên báo Cứu quốc, cùng phụ trách báo Cứu quốc và là Thư ký toà soạn báo Cứu quốc Việt Bắc. Năm 1950, về tạp chí Văn nghệ (thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam) và là Uỷ viên tiểu ban Văn nghệ Trung ương. Năm 1951, tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp ở khu III. Bị địch phục kích và hy sinh.
  • Một số tác phẩm chính đã được xuất bản:Đôi lứa xứng đôi (truyện ngắn, 1941); Nửa đêm (truyện ngắn, 1944); Cười (truyện ngắn, 1946); Ở rừng (nhật ký, 1948); Truyện Biên giới (1951); Đôi mắt (truyện ngắn, 1948); Sống mòn (truyện dài, 1956, 1970); Chí Phèo (truyện ngắn, 1957); Truyện ngắn Nam Cao (truyện ngắn, 1960); Một đám cưới (truyện ngắn, 1963); Tác phẩm Nam Cao (tuyển tập, 1964); Nam Cao tác phẩm (tập I: 1976, tập II: 1977); Tuyển tập Nam Cao (tập I: 1987, tập II: 1993); Những cánh hoa tàn (truyện ngắn, 1988); Nam Cao truyện ngắn tuyển chọn (1995); Nam Cao truyện ngắn (chọn lọc, 1996).
  • Giải thưởng văn học: Nhà văn Nam Cao đã được nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.

3. Nhà văn Trần Đăng

Đây là một trong những cái tên tiêu biểu được nhắc đến trong tập sách Nhà văn Việt Nam hiện đại. Nhà văn Trần Đăng sinh ngày 11/11/1921. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Đăm, xã Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội. Nay thuộc Phường Tây Tựu, Quận Bắc Từ Liêm, Tp. Hà Nội. Ông là Đảng viên Đảng CSVN. Hy sinh ngày 26/12/1949.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Trần Đăng: Thời niên thiếu ông theo cha ra Hà Nội học tập tại các trường tư thục Văn Lang và trường Trung Học Thăng Long, vừa phụ việc ở Thư viện Đại học Đông Dương và bắt đầu viết con đường viết văn.
  • Quá trình tham gia hoạt động cách mạng: Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, phục vụ trong Văn phòng Bộ Nội vụ, Ban Liên kiểm Việt – Pháp thuộc Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam. Năm 1948: làm phóng viên mặt trận báo Vệ Quốc quân nay là báo Quân đội nhân dân. Tham dự nhiều chiến dịch lớn: Đông Bắc (1948), Đường số 4 (1949)… đồng thời luồn sâu vào vùng địch tận Sơn Tây, Móng Cái. Hy sinh ngày 26 tháng 12 năm 1949 trên đường từ bản Nà Lần (Văn Lãng, Lạng Sơn) đi Ái Khẩu (Quảng Tây – Trung Quốc) thực hiện nhiệm vụ liên lạc với Giải phóng quân Trung Hoa bàn kế hoạch phối hợp chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và trở thành: “Người Văn nghệ binh thứ nhất đổ máu trên chiến trường” (theo cách nói của báo chí xuất bản ở chiến khu bấy giờ.
  • Tác phẩm chính đã được xuất bản: Ý kiến nhỏ về Văn nghệ trong giai đoạn chiến lược (1949); Truyện ký Trần Đăng (1969).
  • Giải thưởng văn học: Nhà văn Trần Đăng được nhà nước phong tặng giải thưởng về văn học nghệ thuật năm 2007.

4. Nhà văn Dương Tử Giang

Trong tập sách Nhà văn Việt Nam hiện đại không thể không nhắc đến nhà văn Dương Tử Giang.

Dương Tử Giang tên khai sinh là Nguyễn Tấn Sĩ (sinh năm 1918). Quê quán thuộc Huyện Giồng Tôm, Tỉnh Bến Tre. Ông hy sinh năm 1956.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Dương Tử Giang: Tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Năm 1956, ông cùng các tù chính trị nổi dậy phá nhà lao Tân Hiệp, Biên Hòa và hy sinh trong cuộc đấu tranh đó. Ông bắt đầu viết văn từ trước Cách mạng tháng Tám, sở trường là tiểu thuyết.
  • Tác phẩm chính đã xuất bản: Định học (tiểu thuyết, 1937); Con gà và con chó (tiểu thuyết, 1939); Tranh đấu (tiểu thuyết, 1949); Một vũ trụ sụp đổ (tiểu thuyết, 1949); Cô Sáu Tàu Thưng (truyện thơ, 1949).

5. Nhà văn Thôi Hữu

Nhà văn Thôi Hữu, tên khai sinh là Nguyễn Đắc Giới (sinh năm 1914). Quê quán: Huyện Hoằng Hóa, Tỉnh Thanh Hóa. Sinh thời nhà văn có nhiều năm sống và hoạt động cách mạng ở Hà Nội. Ông hy sinh ngày 16/12/1950 trên chiến trường Việt Bắc.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Thôi Hữu: Thời thanh niên, vừa làm thợ kiếm sống vừa viết báo tuyên truyền vận động quần chúng đứng lên đấu tranh, trên các tờ Hồn nước (cơ quan của Đoàn Thanh niên Cứu quốc); Sự thật (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương)… Từ trước cách mạng Tháng Tám 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ông nhập ngũ và tham gia xây dựng tờ Vệ quốc quân (tiền thân báo Quân đội nhân dân hiện nay). Nhà thơ; đồng thời là một cán bộ có kinh nghiệm quản lý văn hóa văn nghệ.
  • Tác phẩm chính được xuất bản: Thơ văn Thôi Hữu (1984).

6. Nhà văn Lan Khai

Nhà văn Lan Khai – Tên khai sinh là Nguyễn Đình Khải (sinh ngày 24/06/1906). Quê quán: Vĩnh Lộc, Chiêm Hoá, Tuyên Quang. Dân tộc: Kinh. Ông mất ngày 29/11/1945.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Lan Khai: Từ năm 1924-1926 ông học trường Bưởi (Hà Nội). Năm 1927 ông  học tập tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Từng là Chủ bút tạp chí Tao Đàn năm 1939, tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc từ 1943, chủ tịch khu phố Xuân Hoà thị xã Tuyên Quang tháng 8/1945.
  • Tác phẩm chính đã xuất bản: Gồm bộ 48 tiểu thuyết, 31 truyện ngắn, 32 tiểu luận nghiên cứu phê bình văn học, có thể kể: Lầm than (1929-1934); Truyện đường rừng (1940); Mực mài nước mắt (1941); Treo bức chiến bào (1942); Trong cơn binh lửa (1942); Tình ngoài muôn dặm (1942)…

Đây là nhà văn thứ 6 trong 13 nhà văn được nhắc đến trong tập sách Nhà văn Việt Nam hiện đại.

7. Nhà văn Nguyễn Đình Lạp

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp (sinh ngày 19/09/1913). Quê quán: phố Bạch Mai, Hà Nội. Mất ngày 24 tháng 4 năm 1952 tại Thanh Hóa.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Nguyễn Đình Lạp: Xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. (Ông nội là chiến sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục, chú ruột là Nguyễn Phong Sắc, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương). Viết báo từ năm 1933. Từ năm 1937: viết phóng sự cho nhiều báo ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, tham gia đoàn Văn nghệ Nam tiến, vào bộ đội, chiến đấu rồi được điều động làm công tác Văn nghệ trong lòng Hà Nội tạm chiếm, sau đó sang Ty Công an Hà Nội.
  • Tác phẩm chính đã xuất bản: Thanh niên trụy lạc (phóng sự, 1937); Chợ phiên đi tới đâu? (phóng sự, 1937); Những vụ án tình (phóng sự, 1938); Cường hào (phóng sự, 1938); Ngoại ô (tiểu thuyết, 1941); Ngõ hẻm (tiểu thuyết, 1943).

Mặc dù nhà văn Nguyễn Đình Lạp mất sớm ở tuổi 39, nhưng những tác phẩm văn học mà ông để lại đóng góp giá trị rất lớn vào nền văn học cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Đặc biệt là thể loại phóng sự văn học. Tác giả được nêu tên trong tập sách Nhà văn Việt Nam hiện đại.

8. Nhà văn Hoàng Lộc

Nhà văn Hoàng Lộc sinh năm 1920. Quê quán: Châu Khê, Ninh Giang, Hải Dương. Mất ngày 29/11/1949.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Hoàng Lộc: Ông bắt đầu vào con đường văn thơ từ hồi đi học ở Hà Nội(các tập Từ hoàng hôn đến bình minh, Lời thông điệp). Đi bộ đội từ ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, là phóng viên báo Xông pha, báo Bắc Sơn rồi báo Vệ quốc quân ở Việt Bắc.
  • Tác phẩm chính được xuất bản: Viếng bạn (thơ, 1947); Chặt gọng kìm đường số 4 (phóng sự, 1948).

9. Nhà văn Hồng Nguyên

Nhà văn Hồng Nguyên, tên khai sinh là Nguyễn Văn Vương (sinh năm 1924). Quê quán xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đảng viên Đảng CSVN. Mất năm 1951.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Hồng Nguyên: Tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc từ trước Cách mạng Tháng Tám, là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn hoá Cứu quốc Liên khu IV, từng viết bài cho các báo Dân mới, Sáng tạo, Thép mới… Mất vì trọng bệnh ở quê nhà, trước lúc lâm bệnh là Trưởng Ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Thanh Hoá.
  • Tác phẩm chính được xuất bản: Hồng Nguyên để lại nhiều bài thơ và tiểu luận văn học, trong đó có bài thơ đặc sắc là bài Nhớ mang dấu ấn độc đáo của thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp.

10. Nhà văn Trần Mai Ninh

Nhà văn Trần Mai Ninh, tên khai sinh là Nguyễn Thường Khanh (sinh năm 1917). Quê quán: Thanh Hóa. Hy sinh năm 1947.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Trần Mai Ninh: Tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) của Đảng Cộng sản Đông dương; là người viết, người biên tập các báo Bạn dân, Thời thế (1937); Tin tức, Thế giới, Người mới (1938); Bạn đường (1939)…
  • Quá trình hoạt động cách mạng: Khi Mặt trận Dân chủ bị đàn áp, về quê hoạt động ở chiến khu Ngọc Trạo. Bị địch bắt giam, vượt ngục, tham gia giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam Trung bộ. Tiếp đó, tham gia kháng chiến ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Bị giặc bắt, đã hy sinh anh dũng trong nhà tù giặc Pháp.
  • Tác phẩm chính được xuất bản: Thằng Tuất (truyện vừa, 1939); Trừ hoạ (truyện ngắn, 1941); Ngơ ngác (truyện dài, 1941); Sống đã rồi viết văn (tiểu luận, 1944). Đặc biệt nổi tiếng với các bài thơ mở đầu cho dòng thơ cách mạng và kháng chiến thật hào hùng như Nhớ máu, Tình sông núi… Năm 1980, tác phẩm của Trần Mai Ninh được Như Phong tuyển chọn và giới thiệu trong tập Thơ văn Trần Mai Ninh.
  • Giải thưởng văn học: Năm 2007 nhà văn Trần Mai Ninh được nhà nước phong tặng giải thưởng về văn học nghệ thuật.

11. Nhà Văn Thâm Tâm

Nhà văn Thâm Tâm, tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình (sinh năm 1917), tại thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Sinh thời sống nhiều ở Hà Nội. Mất ngày 18 tháng 8 năm 1950 trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Thâm Tâm: Ông được biết đến là con một nhà giáo. Học tiểu học ở Hà Nội, sau đi vẽ tranh kiếm sống. Viết văn, viết báo từ đầu những năm 40 của thế kỷ XX trên các tờ Tiểu thuyết Thứ bảy, Truyền bá… Sau Cách mạng tháng Tám 1945: tham gia Ban biên tập báo Tiền phong, rồi đầu quân lên chiến khu làm Thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (tiền thân báo Quân đội nhân dân hiện nay).
  • Tác phẩm chính được xuất bản: Tống biệt hành (in trong Thi nhân Việt Nam, 1942); Ngậm ngùi cố sự, Chào Hương Sơn, Lưu biệt, Vạn lý Trường thành (in trước cách mạng tháng Tám – 1945); Chiều mưa đường số 5 (thơ, 1949); Thơ Thâm Tâm (1988).
  • Giải thưởng văn học: Nhà văn Thâm Tâm được nhà nước phong tặng giải thưởng về văn học nghệ thuật năm 2007.

Nhà văn Thâm Tâm – Một trong những nhà văn được ghi danh trong tập sách Nhà văn Việt Nam hiện đại.

12. Nhà Văn Ngô Tất Tố

Nhà văn Ngô Tất Tố, tên khai sinh là Ngô Tất Tố (sinh năm 1894). Quê quán tại Làng Lộc Hà, Từ Sơn, Bắc Ninh. Nay thuộc Xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội. Đảng viên Đảng ĐSVN. Mất ngày 20-4- 1954 tại Yên Thế, Bắc Giang.

Nhà văn Ngô Tất Tố
  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Ngô Tất Tố:Trước Cách mạng, Ngô Tất Tố làm nhiều nghề: dạy học, bốc thuốc, làm báo, viết văn; Từng công tác với nhiều tờ báo: An Nam tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phổ thông, Đông Phương, Công dân, Hải Phòng tuần báo, Hà Nội Tân văn, Thực Nghiệp, Tương Lai, Thời Vụ, Con ong, Việt Nữ, Tiểu thuyết Thứ ba…
  • Quá trình tham gia cách mạng: Cách mạng Tháng Tám, tham gia Uỷ ban Giải phóng xã Lộc Hà; Năm 1946: gia nhập Hội Văn hoá Cứu quốc và lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Từng là: Chi hội trưởng chi Hội Văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở Thông tin khu XII, tham gia viết các báo: Cứu Quốc khu XII, Thông Tin khu XII, Tạp chí Văn nghệ và báo Cứu Quốc trung ương… và viết văn; Là uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam khoá I (từ 1948).
  • Tác phẩm chính đã xuất bản: Ngô Việt Xuân Thu (dịch, 1929); Hoàng Hoa Cương (dịch, 1929); Vua Hàm Nghi với việc Kinh thành thất thủ (truyện ký lịch sử, 1935); Đề Thám (truyện ký lịch sử, viết chung, 1935); Tắt đèn (tiểu thuyết, 1937, báo Việt Nữ, 1939 (Mai Lĩnh xuất bản)), Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, 1939), 1941 (Mai Lĩnh xuất bản), 1952), Thơ và tình (dịch thơ Trung Quốc, 1940); Phê bình “Nho giáo” của Trần Trọng Kim (nghiên cứu, 1940); Đường Thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940); Việc làng (phóng sự, 1940, 1941); Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu, 1941); Văn học đời Lý (tập I) và Văn học đời Trần (tập II) (trong bộ Việt Nam Văn học -nghiên cứu, giới thiệu, 1942), Lão Tử (soạn chung, 1942); Mặc Tử (biên soạn, 1942); Hoàng Lê nhất thống chí (dịch, tiểu thuyết lịch sử, 1942,1956); Kinh Dịch (chú giải, 1953); Suối thép (dịch, 1946); Trước lửa chiến đấu (dịch, 1946); Trời hửng (dịch, 1946); Duyên máu (dịch, 1946); Doãn Thanh Xuân (dịch, 1946, 1954); Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (chèo, 1951).
  • Giải thưởng văn học: Hai giải thưởng trong giải thưởng Văn nghệ 1959-1952 của Hội Văn nghệ Việt Nam: Giải ba dịch (Trời hửng, Trước lửa chiến đấu) và giải khuyến khích (vở chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác) – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1-1996.

Nhà văn Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn có nhiều những tác phẩm chính được xuất bản nhiều nhất trong số những nhà văn được xướng tên trong tập sách Nhà văn Việt Nam hiện đại.

13. Nhà văn Hải Triều

Nhà Văn Hải Triều, tên khai sinh là Nguyễn Khoa Văn (sinh ngày 1/1/1908) tại An Cựu, thành phố Huế. Đảng viên Đảng CSVN. Mất ngày 6 tháng 8 năm 1954 tại Bảo Đà, Thanh Hoá.

  • Quá trình học tập và sáng tác của nhà văn Hải Triều: Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, sớm tiếp nhận tư tưởng yêu nước, cách mạng. Khi học trường Quốc học Huế, đã vận động phong trào học sinh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Năm 1927, tham gia Đảng Tân Việt (Tổ chức Đảng Mácxít ở Trung kỳ).
  • Quá trình hoạt động cách mạng: Tháng 6 năm 1930 ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia lãnh đạo trong Tỉnh uỷ Thừa Thiên, sau đó được điều vào Sài Gòn, tham gia Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn (1930-1931). Năm 1931, bị địch bắt ở Sài Gòn, đưa ra Huế kết án 9 năm khổ sai, 8 năm quản thúc, nhưng tháng 7 năm 1932, được trả lại tự do. Ra tù, viết bài trên các báo chí hợp pháp để truyền bá chủ nghĩa Mác và quan điểm học thuật của Đảng, nổi tiếng với quan điểm Nghệ thuật vị nhân sinh trong cuộc luận chiến với phái Nghệ thuật vị nghệ thuật những năm 1935 -1939. Từ tháng 8 năm 1940 đến tháng 3 năm 1945, bị Pháp bắt đi an trí ở Phong Điền.
  • Tác phẩm chính đã xuất bản: Duy tâm hay duy vật (chuyên luận, 1935); Văn sĩ và xã hội (chuyên luận, 1937, 1945); Chủ nghĩa Mác phổ thông (chuyên luận, 1938, Tái bản năm 1946 với tên Chủ nghĩa Các Mác); Về văn học và nghệ thuật (tuyển, 1965); Hải Triều – tác phẩm (1987); Hải Triều tuyển tập (2 tập, 1996).
  • Giải thưởng văn học: Năm 1996 nhà văn Hải Triều được nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Trên đây là danh sách 13 nhà văn được xướng tên trong tập sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, còn rất nhiều những nhà văn khác được tập sách này viết lại về sơ lược tiểu sử của họ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *